image banner
 
Nội dung tuyên truyền kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thị trấn Khánh Yên (26/8/1989 - 26/8/2019)

I. Thị trấn Khánh Yên được thành lập.

Thị trấn Khánh Yên ngày nay đã trải qua nhiều giai đoạn chia tách, theo tài liệu nghiên cứu khoa học mới nhất, thời Hùng Vương dựng nước địa bàn Lào Cai trong đó có địa bàn thị trấn Khánh Yên ngày nay thuộc bộ Tân Hưng, thời Âu Lạc thuộc bộ lạc Tây Vu, thời kỳ Bắc thuộc thuộc châu Chu Quý([1])Đến các triều đại phong kiến Việt Nam, vùng thị trấn Khánh Yên ngày nay nằm trong Đăng châu (nhà Lý) còn gọi là châu Chân Đăng, Đăng châu bao gồm 2 phủ: Phủ Lâm Thao; phủ Quy Hóa. Trải qua các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn: Vùng đất thị trấn Khánh Yên nằm trong xã Khánh An, cuối năm 1946 sau khi đánh đuổi quân Quốc dân Đảng ra khỏi địa phương, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt minh ta đã tiến hành chia tách xã Khánh An thành 4 xã đồng thời danh xưng “Khánh An” đổi thành “Khánh Yên”: Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Nậm Tha([2]).

Căn cứ vào yêu cầu khách quan đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Văn Bàn, ngày 26/8/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số: 107- QĐ/HĐBT thành lập thị trấn Khánh Yên trên cơ sở tách ra từ xã Khánh Yên Thượng.

Vào thời điểm được tái lập, thị trấn Khánh Yên có các điều kiện hết sức khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%, công nghiệp, thương mại dịch vụ quá nhỏ bé mới có 70 hộ kinh doanh (chữa xe đạp, đồng hồ, xay sát; lò gạch, lò vôi); cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông khi đó mới có 5 tuyến đường chủ yếu là đường cấp phối và đường đất, chưa có điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt thiếu thốn chủ yếu sử dụng nước giếng, nước suối) và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng rất khiêm tốn. Đời sống Nhân dân của thị trấn gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ còn cao,... Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của thị trấn.

II. Khánh Yên sau 30 năm thành lập, xây dựng và phát triển.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển thị trấn Khánh Yên đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đô thị văn minh, diện mạo và tiềm lực kinh tế của thị trấn có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển chung của huyện Văn Bàn. Đô thị thị trấn Khánh Yên ngày càng khang trang hơn; nếp sống văn minh đô thị được chú trọng; các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; Vệ sinh được đảm bảo hơn, môi trường sống và sức khoẻ của nhân dân ta ngày một nâng cao.

 

1. Thành tựu về kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn Khánh Yên thời gian qua ổn định, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2018, thu ngân sách của thị trấn ước đạt 9,098 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 641.468.424 đồng, tăng hơn 80 lần so với năm 1989; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, tăng hơn nhiều lần so với năm đầu thành lập.

Sau 30 năm, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chuyển dịch đúng định hướng, đến nay chỉ chiếm 9,4%, giảm hơn 60% so với năm đầu thành lập; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 18,2%. Sản xuất từng bước gắn với chế biến, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng rau sạch Nà Trang; bánh Chưng đen Bản Mạ; thổ cẩm; chăn nuôi gia súc, gia cầm trước đây chỉ là nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, đến nay đã phát triển tập trung quy mô lớn, hiện đại, với hình thức gia trại, trang trại gia tăng về số lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.

Chương trình xây dựng đô thị văn minh của thị trấn đạt được kết quả quan trọng, toàn thị trấn hiện có 9/47 tuyến phố văn minh, đã đạt được 23/24 tiêu chí, phấn đấu đến tháng 10/2019 được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân; Đến cuối năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội gấp hơn 61 lần; cơ cấu của ngành thương mại - dịch vụ chiếm 72,4% tăng hơn 70% so với năm 1989. Từ chỗ hàng hóa ít ỏi, khan hiếm, đến nay mạng lưới thương mại của các thành phần kinh tế phủ khắp thị trấn, đến năm 2018 số doanh nghiệp tăng 11 lần, số cơ sở thương mại tăng gần 25 lần và số lao động được giải quyết việc làm tăng gấp hơn 18 lần; cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 54 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá không còn cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, hiện nay, toàn thị trấn đã có 52 tuyến đường (41 tuyến đường bê tông nhựa; 11 tuyến đường GTNT gồm 7 tuyến đã được bê tông hóa, 02 tuyến cấp phối đá răm; 02 tuyến đường đất) hiện đang tiếp tục nâng cấp mở rộng; 100% nhân dân được sử dụng điện lưới quốc gia; Thông tin liên lạc cho Nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn được đảm bảo tốt, 98,5% người dân được xem truyền hình, nghe đài truyền thanh và 85,3% người dân sử dụng Internet; mạng bưu chính phát triển rộng khắp, đa dịch vụ.

2. Thành tựu về văn hóa - xã hội.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước được chuẩn hóa. Đến nay, mạng lưới trường, lớp được quy hoạch và phát triển tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn. Thị trấn có 7 cơ sở giáo dục (02 trường MN; 01 trường Tiểu học; 01 trường THCS; 01 trương THPT; 01 trường PTDT Nội trú THCS&THPT; 01 trung tâm GDNN&GDTX, thị trấn đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (năm 1998); đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2003); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 100% (cuối năm 2018), số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước, trong đó có nhiều em là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Y tế có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì Nhân dân phục vụ, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn hơn 13,48% phần lớn là suy dinh dưỡng thể béo phì; 99,2% người dân tham gia bao hiểm y tế, các bệnh dịch truyền nhiễm như uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.

Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho mọi người phát triển rộng khắp, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Toàn thị trấn có trên 92% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 100% khu dân cư, TDP được công nhận văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa cấp thị trấn và quốc gia được trùng tu, xây dựng và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 100% TDP đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng;Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 28%, số gia đình thể thao đạt 16%. Hiện nay trên địa bàn thị trấn có 08 câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, trong đó có 02 câu lạc bộ bóng chuyền hơi và 01 câu lạc bộ bóng bàn; 02 câu lạc bộ bóng đá; 01câu lạc bộ tenis; 01 câu lạc bộ Bắn nỏ; 01 CLB câu cá.

Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết chế độ chính sách người có công và các nhóm yếu thế đạt được kết quả quan trọng. Đến cuối 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 7,6% theo chuẩn mới. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công được thị trấn quan tâm tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt theo quy định; 30 năm qua, toàn thị trấn đã có gần 200 lượt người có công được đi điều dưỡng; 100% người có công được mua thẻ bảo hiểm y tế. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của toàn xã hội, toàn thị trấn đã huy động, vận động xây dựng, sửa chữa 53 căn nhà tình nghĩa, trị giá 1.885.000.000 đồng; Triển khai tích cực công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 30 năm qua, có khoảng trên 2.000 lượt lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,4%.

3. Thành tựu về Quốc phòng - An ninh.

30 năm qua, quốc phòng - an ninh của thị trấn luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Khu vực phòng thủ được xây dựng đi vào chiều sâu vững chắc, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu tăng lên, an ninh luôn được đảm bảo trên toàn địa bàn và các khu vực giáp ranh. Tội phạm được kiềm chế, triệt phá nhiều vụ án phức tạp, tội phạm, ma túy, trộm cắp tài sản; tai nạn giao thông từng bước giảm cả 03 tiêu chí. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ đoàn viên, có trình độ học vấn 12, trình độ CĐ, ĐH ngày càng tăng. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thị trấn có tinh thần cảnh giác cao trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa thị trấn Khánh Yên với các xã giáp ranh không ngừng được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển tốt đẹp. Công an, BCHQS thị trấn đã ký kết quy chế phối hợp phòng chống tội phạm, đảm bảo ATGT, tìm kiến cứu nạn, cứu hộ, PCCC với Công an, BCHQS các xã Khánh Yên Thượng; Làng Giàng; Hòa Mạc, việc thực hiện Quy chế được tăng cường và phát huy hiệu quả.

4. Thành tựu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động, đến nay toàn Đảng bộ thị trấn đã có 18 chi bộ trực thuộc với 493 đảng viên (dự kiến đạt 500 trong tháng 9/2019), gấp 8 lần so với năm đầu thành lập thị trấn; Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Những thành tựu to lớn của quá trình 30 năm thành lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Đảng ủy là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển của thị trấn, biểu hiện rõ nét bằng những chủ trương, chương trình, kế hoạch của Đảng ủy đều thể hiện rõ “ý Đảng - lòng dân”.

Các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của thị trấn trong giai đoạn được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ được điều động, luân chuyển, cán bộ trẻ được bổ nhiệm bảo đảm đúng chuẩn theo quy định, đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân. Việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theo.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần xây dựng Chính quyền phục vụ Nhân dân và các tổ chức kinh tế. Ủy ban nhân dân thị trấn ban hành kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, trọng điểm là cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình một cửa, một cửa liên thông, tổng thủ tục hành chính áp dụng tại cấp thị trấn 156 thủ tục. Các cuộc họp, hội nghị đã được bố trí hợp lý hơn, lãnh đạo, CBCC thị trấn dành nhiều thời gian xuống làm việc với các tổ dân phố.

Khối đại đoàn kết toàn dân luôn được giữ vững. Trong thị trấn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, điển hình như: mô hình tổ nhân dân tự quản hiện toàn thị trấn có 50 tổ hoạt động hiệu quả; 01 đội xe ôm tự quản làm tốt công tác phát triển kinh tế, vận tải hành khách an toàn, đúng giá, đồng thời tham gia tích cực phòng, chống, tố giác tội phạm; mô hình cổng Chợ tự quản; mô hình cổng trường tự quản,... Nhiệm vụ xây dựng Đảng, Chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống Nhân dân được thực hiện tốt. Hoạt động của hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả, đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự trị an, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

III. Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển đến năm 2025.

1. Bài học kinh nghiệm.

Chặng đường 30 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của thị trấn Khánh Yên có thể tổng kết bằng một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau đây:

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương, từ đó đề ra những chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thứ hai, coi trọng mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tiếp cận nhanh với các chính sách mới, môi trường kinh doanh thuận tiện, đúng luật.

Thứ ba, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ thị trấn đến cơ sở; luôn coi trọng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp. Coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của các cấp ủy đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, đồng thời biết chọn khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu đề ra.

Thứ tư, chăm lo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao; thu hút, đãi ngộ, trọng dụng hiền tài; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược.

Thứ năm, chú trọng công tác vận động quần chúng, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng.

2. Định hướng phát triển của thị trấn Khánh Yên đến năm 2025

Định hướng chung: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh sản phẩm địa phương. Tập trung thu hút các dự án, các chương trình xúc tiến thương mại. Khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; tạo động lực đưa Khánh Yên phát triển nhanh, bền vững.

Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025:

Về kinh tế: GRDP bình quân đầu người đạt trên 62,5 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế Nông - lâm - thủy sản 10,5%; Công nghiệp - TTCN và xây dựng 20%; Thương mại - dịch vụ: 69,5%; Tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt 15 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt trên 75%; Có từ 95% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh.

Về văn hóa - xã hội: 85% các tuyến phố đạt chuẩn VMĐT; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, 03 trường chất lượng cao; thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 99% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng; khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 9,5%. Phấn đấu hàng năm, có từ 93,5% trở lên hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% trở lên TDP được công nhận và giữ vững danh hiệu “TDP văn hóa”; Đạt chuẩn văn minh đô thị. Giải quyết việc làm cho 500 lao động; Đào tạo nghề cho 150-250 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% .

Về xây dựng hệ thống chính trị: Hàng năm có từ 90% trở lên tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; kết nạp mới khoảng 15 đảng viên. Mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hàng năm có trên 90 % tổ chức cơ sở được xếp loại tốt trở lên; thu hút 90% đoàn viên, hội viên vào tổ chức.

           IV. Ý nghĩa của sự kiện 30 năm ngày tái lập thị trấn và các hoạt động kỷ niệm

1. Ý nghĩa của sự kiện.

 30 năm tái lập thị trấn là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của thị trấn Khánh Yên, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong thị trấn. Kỷ niệm 30 năm thành lập thị trấn là dịp để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thị trấn chung sức, chung lòng, tiếp tục thi đua học tập, lao động, sản xuất để xây dựng thị trấn Khánh Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng với truyền thống của quê hương Khánh Yên anh hùng.

2. Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập thị trấn

2.1. Hoạt động tuyên truyền.

Thời gian: Từ tháng 3/2019 đến 8/2019.

Nội dung:

- Tuyên truyền nêu bật những kết quả phát triển KT - XH, quốc phòng an ninh đạt được của thị thị trấn trong 30 năm qua.

- Tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, triển vọng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội của thị trấn Khánh Yên.

- Trưng bày, triển lãm thành tựu 30 xây dựng và phát triển; xuất bản kỷ yếu thị trấn Khánh Yên xây dựng và phát triển;

- Các tấm gương “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn thị trấn để học tập, nhân rộng.

- Treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc tại các cơ quan, công sở và tại các hộ gia đình từ ngày 05/8/2019 đến hết ngày 26/8/2019; treo đèn lét băng zon, cờ dây, hồng kỳ trên các tuyến phố,...

- Tổ chức tổng dọn vệ sinh sạch đẹp tại các cơ quan, công sở, đơn vị trường học, các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn.

Hình thức tuyên truyền:

- Tuyên truyền thông qua sinh hoạt của các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, Tổ dân phố; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao;

- Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; Cổng thông tin thị trấn;

- Cổ động trực quan; Phát hành các phóng sự, kỷ yếu;…

2.2. Hoạt động giáo dục truyền thống.

- Ra mắt cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn Khánh Yên 1989-2019;  tổ chức nghiên cứu, học tập lịch sử Đảng bộ thị trấn tại 18 chi bộ trực thuộc;

- Tổ chức dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ (sáng ngày 19/8/2019).

2.3. VHVN-TDTT chào mừng.

- Giải bóng đá thanh niên 7 người giữa các tổ dân phố, thực hiện từ ngày 20/7 đến ngày 04/8/2019;

- Giao lưu văn nghệ chào mừng (đêm ngày 21/8/2019); giao lưu bóng chuyền hơi; bắn nỏ (ngày 11/8/2019)

2.4. Công tác thi đua khen thưởng

- UBND tỉnh tặng tặng bức trướng “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo xây dựng thị trấn Khánh Yên giàu đẹp. văn minh” cho Đảng bộ và nhân dân thị trấn Khánh Yên.

- UBND huyện tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng phát triển thị trấn Khánh Yên, đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập thị trấn Khánh Yên.

- UBND thị trấn tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng phát triển thị trấn Khánh Yên, đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập thị trấn Khánh Yên.

2.5 Các công trình, sản phẩm chào mừng.

- Lịch sử Đảng bộ thị trấn (1989-2019).

- Tập thơ chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập thị trấn Khánh Yên.

- Khởi công, thi công đường Minh Đăng kéo dài (K11); cầu Nà Đo, Bản Mạ; Hồ Khánh Yên số 2; Cầu Coóc;

- Các tuyến phố/tuyến đường/khu dân cư văn minh.

2.6. Lễ kỷ niệm.

Mitting kỷ niệm vào sáng ngày 22/8/2019 (Thứ Năm), tại Hội trường huyện Văn Bàn).

  V. Khẩu hiệu tuyên truyền.

1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập thị trấn Khánh Yên (26/8/1989-26/8/2019);

2. Hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập thị trấn Khánh Yên (26/8/1989-26/8/2019);

3. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, quyết tâm xây dựng thị trấn Khánh Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh!

4. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thị trấn Khánh Yên quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ thị trấn Khánh Yên khóa VII, nhiệm kỳ 2015 -2020.

5. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

6. Xây dựng đô thị văn minh là góp phần làm cho gia đình, tổ dân phố và thị trấn Khánh Yên văn minh, giàu đẹp.

7. Toàn dân tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và mỹ quan đô thị.

8. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thị trấn Khánh Yên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!

9. Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên./.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

11. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

12. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

 

Chủ tịch UBND thị trấn

Lê xuân Quỳnh



([1]) Các dân tộc Lào Cai - Đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2015 do Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, Chủ nhiệm đề tài: Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai.

([2]) Theo từ điển Hán- Việt thì nghĩa của từ “An” với từ “Yên” đồng nghĩa. 

Tin tức
Đăng nhập